Giải pháp

Thuốc trừ bệnh cây Cao su

 

Thuốc trừ bệnh cây Cao su

          Cây cao su bị tấn công bởi nhiều loại bệnh, côn trùng cũng như cạnh tranh từ cỏ dại, và khoảng 25% tổng sản lượng cao su trên toàn thế giới bị mất hàng năm do những nguyên nhân này. Sử dụng hóa chất ngày càng trở nên phổ biến nhằm giảm đến mức thấp nhất sự thiệt hại. Hiện nay có nhiều loại thuốc BVTV dùng cho cây cao su, trong đó một số được sử dụng tại Việt Nam như sau:
1. Dung dịch Bordeaux (Boócđô)
- Tên thông dụng: Phèn xanh vôi.
Là loại thuốc trừ nấm gốc vô cơ, có tác dụng tiếp xúc. Được ông Millardet (Pháp) phát hiện năm 1882, cho đến ngày nay dung dịch Bordeaux vẫn được sử dụng rộng rãi trị nhiều loại bệnh do nấm và vi khuẩn cho nhiều cây khác nhau, trong đó có cả bệnh cây cao su như nấm hồng, Corynespora, héo đen đầu lá v.v.
Dung dịch Bordeaux được tạo thành bằng cách pha CuSO4 và vôi (Ca(OH)2), dung dịch đã pha có màu xanh nhạt không mùi và pH kiềm. Dung dịch Bordeaux là thuốc an toàn ít độc với người và động vật nhưng ít bền. Tùy theo liều lượng, kỹ thuật pha chế thuốc có nồng độ khác nhau. Trong cao su hai nồng độ 1 và 5% thường được dùng.
- Cách pha chế dung dịch Bordeaux.
+ Nồng độ 1%: Dùng trị bệnh héo đen đầu lá. Dùng vôi sống, sulfat đồng và nước với tỷ lệ 1:1:100. Hòa tan hoàn toàn 1 kg sulfat đồng trong 80 lít nước và 1 kg vôi trong 20 lít nước còn lại. Dung dịch trên được lọc để loại bỏ tạp chất, tiếp theo đổ từ từ dung dịch sulfat đồng vào dung dịch vôi và trộn đều; tuyệt đối không làm ngược lại. Dùng cây sắt được mài sáng và nhúng vào dung dịch thuốc đã pha trong 1 - 2 phút, nếu bị sét là do có pH thấp cần điều chỉnh tăng thêm lượng vôi. Nếu pha đúng cách dung dịch có màu xanh dương và chậm kết tủa. Dung dịch thuốc sử dụng ngay sau khi pha chế vì thuốc dễ bị phân hủy nếu để lâu.
+ Nồng độ 5%: Dùng chủ yếu để trị bệnh nấm hồng. Pha sulfat đồng, vôi sống và nước với tỷ lệ 1: 4: 15. Hòa tan hoàn toàn 1 kg sulfat đồng trong 5 lít nước và 1 kg vôi trong 10 lít nước còn lại. Cách pha tương tự như dùng cho nồng độ 1%.
Chú ý:
-Không dùng các dụng cụ bằng sắt, nhôm để pha và sử dụng dung dịch Bordeaux, vì thuốc có khả năng ăn mòn. Tốt nhất nên dùng dụng cụ bằng nhựa, thép không rỉ.
-Pha và sử dụng trong ngày, không lưu trữ vì giảm hiệu quả trị bệnh.
-Không sử dụng cho cây bầu bí và các cây họ cà: thuốc lá, cà chua…
Bệnh rụng lá cao su do nấm Corynespora: Bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng trừ được
        Trước thực trạng bệnh rụng lá trên cây cao su do nấm Corynespora đang bùng phát, hoành hành trên nhiều vườn cây ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên, vừa qua tại tỉnh Bình Dương, Cục Bảo vệ Thực vật (BVTV) – Bộ NN& PTNT, Sở NN & PTNT tỉnh Bình Dương và Viện NCCS VN cùng phối hợp tổ chức hội thảo “Phòng trừ bệnh rụng lá cao su do nấm Corynespora”. Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Bùi Bá Bổng tới dự và chỉ đạo hội thảo.
Bình tĩnh phòng trừ bệnh Corynespora
       Sau 11 năm xuất hiện tại Việt Nam, đến năm 2010, bệnh Corynespora xuất hiện trên diện rộng gây tâm lý lo ngại trong người trồng cao su. Theo thống kê ban đầu, hiện có khoảng 15.000 ha cao su trên địa bàn 10 tỉnh bị nhiễm bệnh, trong đó tập trung chủ yếu tại khu vực Đông Nam bộ. Tại tỉnh Bình Dương có khoảng 122.000 ha cao su (gồm đại điền và tiểu điền), thì có hơn 5.375 ha cao su (tính đến 10/9/2010) nhiễm bệnh, còn tại Tây Ninh cũng gần 8.500 ha bị bệnh Corynespora (tính đến 25/8/2010), chiếm gần 11% diện tích cao su của tỉnh, và số diện tích cao su bị bệnh nặng chủ yếu tập trung ở cao su tiểu điền.
       Tại hội thảo, các ý kiến đều cho rằng bệnh rụng lá trên cây cao su do nấm Corynespora gây ra là rất nguy hiểm, có khả năng lây lan nhanh và gây thiệt hại nặng cho người trồng cao su. Các nhà khoa học đã đưa ra các biện pháp nhằm phòng trừ, khống chế và hạn chế sự lây lan của nấm Corynespora. Theo Viện NCCS VN, không nên trồng các dòng vô tính mẫn cảm như: RRIC 103, RRIC 104, RRIM 725, RRIV 4... Khi cây bị bệnh thì sử dụng thuốc trừ nấm có chất hexaconazole như Anvil 5SC, Callihex 50SC… với nồng độ 0,15% hoặc hỗn hợp của chất carbendazim và hexaconazole phối trộn theo tỷ lệ 1:1 hay thuốc đã phối trộn sẵn như Avirit 250SC, Vixazol 275 với nồng độ 0,2 – 0,3% để phun xịt. Các loại thuốc trên phối hợp với chất bám dính BDNH2000 nồng độ 0,5%. Lượng dung dịch thuốc cần phun cho 1 ha từ 600-800 lít, tùy thuộc vào tuổi cây cao su. Cần chú ý phun mặt dưới lá với chu kỳ 10 - 14 ngày/lần, số lần phun từ 2 - 3 lần đến khi triệu chứng bệnh ngưng phát triển. Phun ướt toàn bộ tán lá, chồi non, cố gắng phun tới ngọn, phun vào buổi sáng và chỉ phun tới 10h sáng. Ngoài ra, bón phân cân đối và đầy đủ. Ngoài lượng phân bón theo quy trình, vườn cây bị nhiễm bệnh cần tăng lượng phân kali hơn 25% để giúp cây kháng bệnh.
Ông Khương Quang Việt – Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) khuyến nghị thêm: Bên cạnh sử dụng thuốc hóa học cần vệ sinh toàn bộ vườn cây bị bệnh, thu gom các lá, cuống lá, cành, chồi non bị bệnh đã rụng để tiêu hủy. Thường xuyên kiểm tra vườn cây, nhất là lúc thời tiết chuyển từ mưa sang nắng hạn, vì đây là điều kiện thuận lợi bệnh tái phát. Với vườn cây khai thác phải ngưng cạo nếu vườn bị bệnh nặng...
        Còn theo ông Nguyễn Tấn Đức – Trưởng Ban Quản lý kỹ thuật VRG, đây là bệnh nguy hiểm, gây hại lớn nhưng hoàn toàn có khả năng phòng trừ được. Với các vườn cây bị bệnh do VRG quản lý đến nay đã khống chế và kiểm soát được bệnh. Tuy nhiên, giải pháp lâu dài để tránh dịch bệnh, cần loại bỏ dần các giống mẫn cảm nhiễm bệnh Corynespora ngay từ bây giờ. Tiến sĩ Nguyễn Anh Nghĩa – Quyền trưởng Bộ môn BVTV (Viện NCCS VN thì cho rằng: “Để phòng trừ hiệu quả loại bệnh này, nông dân cần thực hiện phương pháp phun thuốc theo tiêu chuẩn 4 đúng: đúng thuốc, đúng cách, đúng nồng độ, đúng thời điểm và pha thêm chất bám dính để tăng hiệu quả của thuốc, hạn chế khả năng phát tán bào tử nấm. Người dân không nên vội vàng chặt bỏ diện tích bị nhiễm bệnh vì chưa có các đánh giá toàn diện về mức độ gây hại của loại bệnh này mà nên tính toán chính xác các mặt lợi, hại về thu nhập, chi phí, thời gian để có quyết định hợp lý”.
        Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhấn mạnh, cần phải thực hiện các biện pháp ngăn ngừa không cho dịch bệnh lây lan rộng, song song đó là cần phải có các công trình nghiên cứu sâu rộng và đồng bộ để phòng trừ loại bệnh này hiệu quả hơn.
Khó khăn trong việc phòng trừ bệnh
        Về cơ bản, hiện nay bệnh Corynespora đã được khống chế, tuy nhiên công tác điều trị, phát hiện bệnh đã bộc lộ những khó khăn. Ông Nguyễn Trung Hiếu – Chi cục trưởng BVTV tỉnh Bình Dương kêu khó, do cây cao su quá cao để phát hiện bệnh chi cục phải sử dụng ống nhòm để điều tra lá bệnh. Vả lại, với diện tích phun thuốc lần 2 đứng bệnh, nhưng tình hình thời tiết diễn biến bất thường (mưa kéo dài sau đó nắng nóng trở lại) là bệnh tái phát, còn tiến độ phun cũng rất chậm do diện tích quá lớn, trong khi nông dân không có dụng cụ phun thuốc phải thuê mướn làm mất nhiều thời gian. Ngoài ra, hiện nay vẫn chưa có dụng cụ phun thuốc chuyên dùng cho cây cao su mà chủ yếu do dân tự chế nên hiệu quả phun chưa cao. Nhiều dụng cụ tự chế không bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật nên không thể phun xịt tới độ cao cần thiết trong khi yêu cầu là phải phun đều trên toàn bộ tán lá, kể cả lá non trên ngọn. Bên cạnh đó, lợi dụng tình hình dịch bệnh, một số công ty kinh doanh thuốc BVTV và phân bón tranh thủ “làm ăn”, quảng cáo nhiều loại thuốc, phân bón có khả năng trừ bệnh đã làm nông dân hoang mang không biết sử dụng loại nào có hiệu quả, trong khi hiện nay trong danh mục thuốc BVTV vẫn chưa có loại thuốc nào được đăng ký trị bệnh nấm Corynespora trên cây cao su.
       Song song đó, thời gian qua xuất hiện một số thông tin không chính xác về bệnh vàng lá, rụng lá trên cây cao su gây tâm lý không tốt. Hiện tượng có vết bệnh trên lá, vàng lá, rụng lá không nhất thiết đều do bệnh Corynespora gây nên mà có thể do bệnh khác, thiếu hoặc mất cân bằng dinh dưỡng, cháy nắng, khô hạn, úng nước, rụng lá sinh lý…Vì thế cần phải xác định đúng nguyên nhân để có biện pháp xử lý thích hợp. Đặc biệt là bà con trồng cao su tiểu điền do thiếu thông tin nên nhận định chưa chính xác bệnh, sử dụng các biện pháp xử lý không phù hợp, không theo khuyến cáo mà theo truyền miệng, gây tốn kém không hiệu quả.
      Theo ông Nguyễn Tấn Đức – Trưởng ban QLKT VRG, vừa qua VRG đã tổ chức một đoàn đi khảo sát hiệu quả của máy phun cao áp đang áp dụng trên vườn cây cao su tại Malaysia. Khảo sát cho thấy máy phun có thể áp dụng hiệu quả trên vườn cây tập đoàn. Vì vậy, VRG đã đồng ý cho một số đơn vị miền Đông Nam bộ mua máy trong tháng 9/2010 để sử dụng thử nghiệm, nếu hiệu quả sẽ nhân rộng ra các đơn vị khác.
Trong khi đó, Công ty CPCS Đồng Phú cho hay, công ty này vừa ký hợp đồng nhập 2 máy phun thuốc cao áp từ Malaysia. Loại máy này linh kiện do Nhật sản xuất, lắp ráp tại Braxin, giá khoảng hơn 12.000 USD/chiếc. Dự kiến trong tháng 10/2010, công ty sẽ đưa máy này vào sử dụng.

Nguồn: Phan Thành Dũng-Viện NCCSVN Nhà xuất bản nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh – 2004